Thị trấn Yên Cát nằm ở phía Đông Bắc huyện Như Xuân, dọc theo Quốc lộ 15A. Phía Đông giáp huyện Như Thanh; phía Tây giáp xã Cát Tân, xã Hóa Quỳ; phía Nam giáp xã Bình Lương, xã Tân Bình; phía Bắc giáp xã Thượng Ninh. Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn Yên Cát với các tuyến Quốc lộ 45, 15A, 10, đường Hồ Chí Minh; các tuyến đường liên thôn, khu phố, liên xã phân bố khá hợp lý, tạo thành mạng lưới giao thông xương cá. Đây là điều kiện thuận lợi để Nhân dân thị trấn giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng trong và ngoài huyện, tỉnh, góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội địa phương.
Địa hình Yên Cát tương đối phức tạp do bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, khe suối. Hướng địa hình thấp dần về phía Nam. Các ngọn núi cao tiêu biểu như Bù Sòng, Ba Đất, Đầm Trời; phần lớn các ngọn núi có độ dốc trung bình từ 20 - 350. Những cánh đồng lớn như đồng Mả, đồng Sẹt, Bãi Bò, đồng Bến và triền núi phù hợp canh tác sản xuất lương thực. Đồi núi thích hợp trồng rừng, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc.
Đất đai của Yên Cát chủ yếu là đất feralit đỏ vàng, đất đỏ phong hóa đá vôi. Loại đất này có đặc tính thoát nước và thoáng khí nhưng dễ bị thoái hóa; thích hợp trồng rừng, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và sử dụng làm đồng cỏ cho chăn nuôi. Trong quá trình trồng trọt phải cải tạo đất thường xuyên để giảm độ chua, xói mòn đất.
Nằm trên thượng nguồn sông Chàng, sông Đằn, lại có nhiều khe suối (khe Bờ Đống, Bãi Trạc, Đồng Tra, Cầu tẻ) nên thị trấn Yên Cát có nguồn nước dồi dào, đảm bảo nhu cầu của người dân về hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Nhiều khe suối có độ dốc lớn, dòng chảy mạnh, nguy cơ gây xói mòn, lũ quét cao.
Yên Cát thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng nóng, ẩm. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông phân hóa rõ nét: Mùa xuân tiết trời ấm áp, thường xuất hiện mưa phùn, độ ẩm trong không khí tăng cao; mùa hạ nhiệt độ tăng cao với nắng nóng kéo dài, có gió Tây khô nóng, thỉnh thoảng mưa nhiều; mùa thu mát mẻ, se se lạnh; mùa đông lạnh, ít mưa. Nhiệt độ trung bình năm trên 230C. Tháng 7, 8 có lượng mưa khá lớn, nguy cơ gây lũ lụt cao, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất.
Trước đây, địa bàn Yên Cát có nhiều loài động vật sinh sống như hoẵng, nai, tê tê, nhím, cầy, chồn ; trong đó vượn và phượng hoàng là hai loài quý nhất. Rừng cũng trở thành nơi cư trú, sinh sản của các loại chim quý. Nguồn lâm thổ sản đa dạng, phong phú với nhiều cây gỗ quý (lim, dổi), cây làm thuốc (ngũ da bì, hà thủ ô); thảm thực vật dày với những trảng cỏ, cây bụi. Sau khi Đảng ta xây dựng cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và triển khai từ những năm 1990, kinh tế địa phương từng bước thay đổi, giao thương được thúc đẩy. Các loại gỗ rừng, cây làm thuốc, làm nguyên liệu công nghiệp có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế đều bị khai thác, dẫn đến tình trạng cánh rừng dần kiệt quệ, mất cân bằng hệ sinh thái. Do tác động của con người và quá trình đô thị hóa nên một số loại chim và thú quý giảm hẳn, chỉ còn các loài gặm nhấm, lưỡng cư, giáp xác. Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với môi trường và đời sống Nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền đã lãnh đạo người dân chú trọng công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289