Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử Thị trấn Yên Cát - Huyện Như Xuân - Tỉnh Thanh Hoá

Yên Cát là vùng đất sinh sống của các dân tộc Thổ, Thái, Mường, Kinh; trong đó chủ yếu là người Thổ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thực tiễn lao động sản xuất, người dân Yên Cát đã xây dựng những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong quá trình tồn tại và phát triển, các dân tộc anh em đã có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, biểu hiện rõ nét qua phong tục tập quán, các lễ hội.

Trong đời sống tinh thần của các dân tộc lưu truyền các tín ngưỡng dân gian như thờ cúng tổ tiên, thờ thần thổ địa, thờ bà mụ và các nghi lễ như lễ tra hạt, lễ cơm mới, lễ đặt tên con. Trong năm, ngoài Tết Nguyên đán, đồng bào Thổ còn ăn Tết mùng 5/5, rằm Tháng 7.

Người Thổ thờ cúng ông bà tổ tiên, tin rằng tổ tiên luôn bên cạnh và giúp đỡ họ trong cuộc sống. Tín ngưỡng của người Thổ là tín ngưỡng về thế giới đa thần, thế giới vô hình tồn tại cùng thế giới hữu hình, thế giới con người. Con người tồn tại có sự giúp đỡ của các vị thần linh. Vì vậy, mỗi gia đình đều dành nơi trang trọng nhất trong nhà để đặt bàn thờ gia tiên. Bàn thờ gia tiên được hương khói quanh năm, nhất là những ngày lễ, tết. Ngoài ra còn có bàn thờ bà cô trong gia đình. Trước sân đặt bàn thờ thổ thần. Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Thổ còn có tín ngưỡng thờ hồn lúa. Vào ngày mùa, mỗi gia đình chọn 3 - 5 bông lúa đẹp treo cạnh bàn thờ gia tiên.

Nhà ở truyền thống của người Thổ là nhà sàn làm bằng gỗ, luồng, tranh, nứa có ưu điểm phù hợp với địa hình miền núi, đảm bảo thoáng mát, tránh được thú dữ tấn công. Người Thổ rất trọng hướng nhà, quan niệm làm nhà đúng hướng sẽ đem lại tài lộc, may mắn cho gia đình. Khác với đồng bào Thổ, ngôi nhà truyền thống của người Thái là nhà gác hai tầng, tầng dưới nuôi trâu, bò, gà, lợn; gia đình ở tầng trên. Trước khi làm nhà, gia đình phải làm cỗ cúng, báo cáo với tổ tiên.

Tuy không có hệ thống chữ viết nhưng người Thổ lại có một nền văn hóa dân gian đặc sắc. Dân ca của người Thổ phong phú về loại hình, nội dung và cách thức thể hiện; tiêu biểu như hát ru, hát đối đáp. Các nhạc cụ thường được sử dụng là kèn, trống, chiêng tạo nên những giá trị văn hóa tinh thần mang đậm sắc thái của dân tộc Thổ. Trong kho tàng văn hóa dân tộc Thổ, "chậm đò ho" là nghi thức dân gian phản ánh đậm nét đời sống tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào Thổ. Vào dịp lễ, tết, thời điểm mùa màng đã thu hoạch xong, chờ mùa gieo hạt mới, đồng bào Thổ tạm gác công việc ruộng nương, hội tụ mở hội vui xuân, mừng năm mới với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng yên vui, hạnh phúc. "Chậm đò ho" là một trong những làn điệu dân ca vui nhộn nhất, thể hiện cảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc Thổ. Trong không gian lễ hội rộn rã tiếng trống, chiêng, tiếng chày giã gạo, tạo nên không khí vui nhộn. Hát ru được xem là loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, thấm đẫm giá trị nhân văn, phản ánh những cung bậc cảm xúc trong đời sống tinh thần của người Thổ. Điệu múa "Bắt Nhái" đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, được sáng tạo từ món ăn đời thường thịt nhái nấu lá chùm bon của đồng bào Thổ. Nét đẹp văn hóa còn được thể hiện ở trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, với những đường nét hoa văn tinh tế do bàn tay khéo léo của các cô gái Thổ, Thái, Mường làm nên.

Trong văn hóa ẩm thực, các món ăn hằng ngày của người Thổ đều được nấu từ nguồn lương thực, thực phẩm do chính họ trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn. Bữa ăn thường diễn ra ở gian bếp, người đàn ông và chủ nhà ngồi bên trong, vợ con ăn bên ngoài. Các món ăn được đặt trên chiếc mâm tròn đan bằng mây, cật tre. Thức ăn gồm cơm, rau, thịt, cá; trong đó, cơm, rau là thức ăn chính; thịt, cá là thức ăn phụ, không thường xuyên có trong bữa ăn. Cơm gồm cơm nếp, cơm tẻ, cơm lam. Trước năm 1930, người Thổ ăn cơm nếp là chính và được nấu bằng chõ. Đối với đồng bào Thổ, sắn cũng là cây lương thực chính, được xếp sau cây lúa. Người dân thường chế biến các món sắn luộc, sắn đồ, sắn nướng, sắn lam hoặc nấu chung với cơm, đồ cùng gạo nếp, làm thành bánh và các món canh. Vào dịp lễ, tết, người Thổ thường làm bánh chưng, bánh dày - hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn, đất vuông; bánh ít. Người Thổ ưa dùng thịt trâu, thịt trâu là cỗ trọng, gồm: Thịt trâu xiên que nướng trên bếp than hồng, chấm với chẻo; thịt trâu hấp, nấu với mắc khén. Thịt lợn được chế biến thành các món luộc, thái miếng mỏng xếp lên lá ban; các món xào, nướng, nấu với thân cây chuối hoặc nấu với gạo xay nhỏ. Cá được nuôi ở các ao, khe suối; người dân nơi đây thường đem nướng, hấp, kho, rán. Bên ngoài món cá hấp được bọc bởi lớp lá đu đủ non; cá nướng chấm với chẻo. Các loại rau được lấy chủ yếu từ rừng như măng tre, măng vàu, măng nứa; rau muống, rau dền, bầu, mướp. trồng trên rẫy. Người Thổ thích uống rượu chưng cất, lên men từ lúa, ngô, sắn. Đây là thức uống quan trọng trong các bữa ăn hằng ngày và các dịp lễ, tết, đám hiếu, đám hỷ.

Văn hóa ẩm thực của người Thái cũng có nét đặc sắc riêng. Trước kia, bữa sáng của người Thái thường là cơm nếp đồ; bữa trưa, bữa tối gồm cơm tẻ và các loại thức ăn như cá, cua, ốc, ếch, nhái nấu măng chua hoặc nướng, canh bồi… tùy điều kiện mỗi gia đình. Ngày nay, bữa cơm của đồng bào Thái đa dạng, phong phú hơn. Vào dịp lễ, tết, hội hè, người Thái thường đồ xôi, chế biến các món luộc (thịt gà luộc, thịt lợn luộc), canh, cá chua; làm bánh chưng đen, bánh chưng xanh, bánh ít, chè lam.

Xưa kia, một số làng còn có đình, chùa, miếu mạo như đình Thi, đình Sắc, đình Bàu Tang, miếu núi Chùa… Tại làng Vả (khu Thăng Bình) trước kia có đền thờ bà tướng Tạo Nương Công chúa nhưng đã bị phá hủy trước cách mạng. Do thời gian và chiến tranh tàn phá, ngày nay, trên địa bàn thị trấn chỉ còn đình Thi. Đây là ngôi đình cổ được xây dựng từ năm 1495, thờ Dương Cảnh bạch y Thượng đẳng tối linh thần[1] và tướng quân Lê Phúc Thành thời Hậu Lê[2]. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình xuống cấp; đến năm 1995 mới được tu bổ. Năm 2010, đình được trùng tu và tôn tạo lại trên nền đất cũ. Lễ hội đình Thi được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao khai khẩn đất đai, dựng làng lập ấp của tướng quân Lê Phúc Thành. Trước đây, lễ hội thường có tục tế trâu, rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian của dân tộc Thổ. Do điều kiện khách quan, qua thời gian, nhiều giá trị văn hóa của lễ hội mai một dần. Từ năm 1990, cùng với việc phục dựng đình, lễ hội đình Thi cũng được khôi phục trở lại với những nghi thức tế lễ, đồ vật dâng cúng, các trò chơi, trò diễn dân gian. Trước kia, lễ hội được tổ chức 3 năm một lần, nay là 5 năm một lần, kéo dài từ ngày 14 - 16/3 Âm lịch, gọi là Đại lễ (Đại tế); hằng năm tổ chức dâng hương tưởng nhớ danh tướng vào ngày 16/3 Âm lịch, gọi là Tiểu lễ (Tiểu tế). Ngoài phần lễ, những buổi hội thường có hát trống chiêng, hát giao duyên, chơi ném còn, tổ tôm, đi cà kheo, chọi gà, kéo co và các hoạt động thể dục thể thao khác. Năm 1995, đình Thi được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (theo Quyết định số 98/QĐ-VHTT ngày 14/12/1995 của Sở Văn hóa - Thông tin).

Nhân dân các dân tộc đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ chống lại thiên tai, địch họa, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Trước kia, đồng bào chủ yếu canh tác nương rẫy, kết hợp với trồng lúa nước; trình độ canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Người dân sống du canh du cư; năng suất cây trồng thấp; đời sống Nhân dân các dân tộc bấp bênh. Từ thập niên 20 của thế kỷ XX, người dân địa phương đã tiến hành cải tạo đồng ruộng ở các lưu vực thành những thửa ruộng có mặt bằng, be bờ giữ nước, đắp đập, đào mương phai dẫn nước. Vì vậy, trên địa bàn hai xã Cư Yên, Hữu Lễ có nhiều cánh đồng bậc thang nhỏ hẹp song rất màu mỡ, trồng được hai vụ lúa. Việc săn bắt, hái lượm và thu nhặt lâm thổ sản đã trở thành một tập quán lâu đời, giữ vai trò quan trọng trong đời sống Nhân dân các dân tộc ở địa phương.

Sau năm 1989, nhiều người dân ở thị trấn Yên Cát chuyển sang kinh doanh buôn bán. Nhân dân Yên Lễ, Yên Cát tiến hành canh tác ruộng nước, chăm sóc và bảo vệ rừng, kết hợp với chăn nuôi gia súc (trâu, bò), gia cầm; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trước khi sáp nhập xã Yên Lễ năm 2019, kinh tế thị trấn đã có bước phát triển mạnh. Ngoài cây lúa, trên địa bàn còn có một số loại cây công nghiệp ngắn ngày như sắn, mía; cây lâm nghiệp như keo. Từ năm 2009, Nhân dân trồng thêm cao su, đào cảnh và cây ăn quả.

Nghề thủ công truyền thống giữ vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày của Nhân dân song trước đây chỉ là nghề phụ trong gia đình. Người Thổ thường đan võng gai, túi gai, lưới gai để sử dụng; làm mộc, mây tre đan...

Bên cạnh những truyền thống văn hóa tốt đẹp, Nhân dân các dân tộc Yên Cát còn có tinh thần yêu nước sâu sắc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, xóm làng; chống lại sự áp bức, bóc lột của cường quyền. Từ thế kỷ I, Nhân dân địa phương đã cùng với Nhân dân trong vùng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán. Đầu thế kỷ XV, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nhân dân địa phương đã đóng góp sức người, sức của, tham gia đánh quân xâm lược nhà Minh (1418 - 1427). Khi Lê Lợi lên ngôi vua đã ban thưởng cho những tướng lĩnh tham gia khởi nghĩa, trong đó có tướng quân Lê Phúc Thành được phong lộc điền ở vùng đất này. Sau khi về đây, Ngài đã khai khẩn đất, mở rộng xóm làng; khi mất được phong làm Thành Hoàng làng Sẹt. Trong khởi nghĩa Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII), khi Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc đại phá quân Thanh, Nhân dân địa phương đã nhiệt tình ủng hộ nghĩa quân.

Ngày 31/8/1858, hơn 10 tàu chiến Pháp và Tây Ban Nha có mặt tại cảng Đà Nẵng, cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp chính thức bắt đầu[3]. Trong những năm tiếp theo, chiến sự nổ ra liên miên trên khắp các tỉnh lỵ. Năm 1884, Chính phủ Pháp buộc triều Nguyễn ký thêm Hiệp ước Giáp Thân công nhận quyền đô hộ của Pháp tại nước ta. Sau ngày ký Hiệp ước, mâu thuẫn giữa phe chủ chiến trong triều đình do Tôn Thất Thuyết đứng đầu với thực dân Pháp ngày càng trở nên gay gắt. Ngày 05/7/1885, Tôn Thất Thuyết quyết định nổ súng đánh Tòa khâm sứ. Tuy nhiên, kế hoạch tấn công thất bại, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành Huế. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt, mở ra giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh chống Pháp của Nhân dân cả nước, đó là phong trào Cần Vương. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói chung, Nhân dân Cư Yên, Hữu Lễ nói riêng đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống Pháp. Nhiều người con của địa phương đã tham gia các nghĩa quân của Lê Ngọc Toản (Triệu Sơn), Cầm Bá Thước (Thường Xuân), Lê Đình Tại (Hóa Quỳ, Như Xuân)... Khu vực rừng núi của hai xã Cư Yên, Hữu Lễ là một trong những địa bàn hoạt động của nghĩa quân Cầm Bá Thước, Lê Đình Tại. Đặc biệt khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm còn được người dân phát huy mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho cuộc đấu tranh tiến tới giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

 

[1] Tương truyền, Ngài là thần nhà trời trông coi việc mưa thuận gió hòa trong vùng.

[2] Ngài được xem là ông tổ của dòng họ Lê huyện Như Xuân.

[3] Võ Kim Cương (chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập 6 (Từ năm 1858 đến năm 1896), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr.95. 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289