Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, từ xa xưa, vùng đất Yên Cát đã trở thành nơi an cư lạc nghiệp của nhiều dòng họ như họ Lê, Đinh, Trần, Hà, Nguyễn, Trương
Trải qua quá trình chia tách, sáp nhập tương đối phức tạp với nhiều lần thay đổi tên gọi, địa bàn thị trấn Yên Cát ngày nay chính là xã Yên Lễ giai đoạn 1964 - 1989. Ngược dòng lịch sử, xưa kia Yên Lễ được gọi là Sách Cư Yên và Hữu Lễ. Thời Đinh, Lê, Lý thì thuộc huyện Cửu Chân; thời Trần, Hồ thuộc huyện Nông Cống, châu Cửu Chân, phủ Thanh Hóa; thời Lê, Nguyễn thuộc tổng Như Lăng, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia. Năm Minh Mệnh 18 (1837), châu Thường Xuân được thành lập; địa bàn Hữu Lễ, Sách Cư Yên thuộc tổng Như Lăng, châu Thường Xuân, phủ Thọ Xuân. Thời Đồng Khánh (1885 - 1889), xã Sách Cư Yên được sách địa dư ghi chép với tên gọi An Cư[1], sau này là xã Cư Yên. Năm 1893, hai xã Hữu Lễ, Cư Yên thuộc tổng Như Lăng, châu Như Xuân.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Hữu Lễ gồm các làng: Lúng, Trầu, Yên, Ré, Vả, Đồng Cò; xã Cư Yên gồm các làng: Sẹt, Pheo, Thi, Thấng. Đầu năm 1946, hai xã Cư Yên, Hữu Lễ cùng với các làng của xã Hóa Quỳ, Cát Vân hợp thành một xã với tên gọi Yên Cát, thuộc huyện Như Xuân.
Theo Quyết định số 232/NV ngày 04/9/1964 của Bộ Nội vụ, xóm Chuối, xóm Đoàn Thịnh tách khỏi xã Bình Lương để sáp nhập vào xã Yên Cát; xã Yên Cát chia tách thành 3 xã Yên Lễ, Cát Vân, Hóa Quỳ. Khi mới thành lập, xã Yên Lễ gồm 11 làng: Thấng, Lúng, Trầu, Quế, Thi, Vả, Sẹt, Yên Thắng, Yên, Ré, Đoàn Thịnh[2].
Thực hiện chủ trương của Đảng về việc đưa đồng bào miền xuôi lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới, từ năm 1963, Nhân dân Yên Lễ đã giúp đỡ Nhân dân xã Quảng Phú[3] (huyện Quảng Xương) lên định canh định cư trên địa bàn. Để tạo thuận lợi trong việc quản lý, mặt khác do sự phát triển dân số nên tháng 10/1978, xã Yên Lễ quyết định thành lập làng Phú Lễ, Yên Phú.
Năm 1979, Đoàn khai hoang của xã Quảng Chính (huyện Quảng Xương) gồm 9 hộ gia đình đến địa bàn xã Yên Lễ sinh sống, làm ăn. Đến cuối năm 1979, Đoàn chỉ còn 7 hộ gia đình, do 2 hộ đã hồi hương. Năm 1986 có 2 hộ gia đình đã tìm hiểu khu vực cầu Ba Ván (thuộc khu Xuân Chính ngày nay) thấy điều kiện tương đối thuận lợi; ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Đoàn khai hoang đã về quê Quảng Chính động viên thêm 11 hộ gia đình lên xã Yên Lễ làm kinh tế mới, cùng với 7 hộ lên xã năm 1979 xây dựng làng Xuân Chính[4].
Ngày 14/9/1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 124-HĐBT về "việc phân vạch địa giới hành chính một số xã, thị trấn của các huyện Như Xuân, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Cẩm Thủy thuộc tỉnh Thanh Hóa". Theo đó, thị trấn Yên Cát được thành lập trên cơ sở tách từ xã Yên Lễ, gồm làng Vả và làng Lúng với diện tích tự nhiên 170,6ha và trên 2.000 nhân khẩu. Tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân thị trấn, các đại biểu đã thống nhất, quyết định chia thị trấn thành 4 khu phố (Yên Xuân, Yên Bình, Yên Thành, Yên Lương[5]) và 2 thôn (Thăng Bình, Lúng). Ngày 06/11/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 "Về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã"; sau khi tiến hành đo đạc lại, thị trấn Yên Cát có tổng diện tích tự nhiên là 468,18ha[6].
Ngày 18/11/1996, huyện Như Thanh được tách ra từ huyện Như Xuân theo Nghị định số 72/CP của Chính phủ. Thị trấn Yên Cát và xã Yên Lễ là đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Như Xuân.
Theo Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Về việc đổi tên; chuyển thôn thành khu phố; sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thị trấn Yên Cát và xã Yên Lễ có sự thay đổi về các thôn. Thôn Lúng và thôn Thăng Bình (thị trấn Yên Cát) được chuyển thành khu phố. Về xã Yên Lễ, thôn Yên Thịnh và thôn Yên Xuân sáp nhập thành thôn Xuân Thịnh; thôn Thanh Yên và thôn Mỹ Ré sáp nhập thành thôn Mỹ Ré; thôn Yên Phú và một phần thôn Quế sáp nhập thành thôn Phú Quế; thôn Phú Lễ và một phần thôn Quế sáp nhập thành thôn Quế Phú.
Ngày 16/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 "Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa". Theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Yên Lễ nhập vào thị trấn Yên Cát. Sau khi sáp nhập, thị trấn Yên Cát có diện tích tự nhiên 31,27km2, gồm 15 khu phố: 1, 2, 3, 4, Cát Tiến, Lúng, Mỹ Ré, Phú Quế, Quế Phú, Thăng Bình, Thấng Sơn, Trung Thành, Xuân Chính, Xuân Thịnh, Yên Thắng. Năm 2023, thị trấn Yên Cát có dân số 9.975 người.
[1] Đồng Khánh địa dư chí, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003, tr.1147.
[2] Làng Thấng nay là khu Thấng Sơn. Làng Trầu nay là khu Cát Tiến. Làng Vả nay là khu Thăng Bình. Làng Sẹt nay là khu Trung Thành. Làng Lúng nay là Khu phố 1, 2, 3, Lúng.
Xóm Đoàn Thịnh trước kia gọi là làng Sướng. Xóm Quế trước kia gọi là làng Đồng Cò. Làng Yên (làng Đồng Cầu) còn gọi là Thanh Yên.
[3] Nay là phường Quảng Phú, thành phố Thanh Hóa.
[4] Địa chí huyện Như Xuân, Nxb. Thanh Hóa, 2019, tr.166-167.
[5] Địa chí huyện Như Xuân, Nxb. Thanh Hóa, 2019, tr.148.
Tại tr.150 còn ghi: Khu phố 4 (tt. Yên Cát): Tên gọi ban đầu là phố Yên Lương (Yên là chữ đầu của thị trấn Yên Cát, Lương với nghĩa lương thiện đoàn kết xây dựng quê hương mới). Khu phố được hình thành cùng với quyết định thành lập thị trấn Yên Cát năm 1989 Sau hai năm Nhân dân thị trấn thường gọi là Khu phố 1, 2, 3, 4 nên từ đó đến nay gọi là Khu phố 4.
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289